Dẫn nguồn: baomoi.com
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giá mua lại điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) với giá 1.943 đồng/kWh. Đơn giá này được áp dụng đối với các dự án đầu tư trong thời gian từ ngày 1-7-2019 đến hết 31-12-2020. Đặc biệt, giá mua này được áp dụng 20 năm kể từ ngày hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và ngành điện có hiệu lực.
Việc mua lại ĐMTMN nói trên được tiến hành theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Hóa đơn tiền điện giảm đáng kể
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết đầu tư hệ thống ĐMTMN sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả do việc giảm bớt sử dụng từ nguồn điện lưới.
Theo ông Kiên, đối với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các hộ gia đình có lượng điện tiêu thụ vào ban ngày nhiều thì sẽ thấy ngay việc giảm đáng kể số tiền điện phải thanh toán hằng tháng theo hóa đơn. Còn nếu hộ gia đình sử dụng điện nhiều vào buổi tối thì lượng điện mà hệ thống ĐMTMN sản xuất ra sẽ được bán ngược lên lưới với giá 1.943 đồng/kWh cho ngành điện (giá trung bình của điện lưới mà ngành điện đang bán cho khách hàng là 1.864đồng/kWh).
Như vậy, theo ông Bùi Trung Kiên, về lâu dài chủ đầu tư có thể có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng ĐMTMN dư phát ngược lên lưới điện.
Theo tính toán của ông Bùi Việt Phương – Trưởng bộ phận marketing điện mặt trời thuộc Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt (DAT), hiện tại giá thành một bộ hệ thống năng lượng mặt trời có giá giảm rất nhiều so với những năm trước đây. Cụ thể, nếu hộ gia đình đầu tư một bộ với công suất là 3 kWp thì có giá trên dưới 50 triệu đồng. Ước tính thời gian hoàn vốn sau 4-5 năm, thời gian sử dụng bộ sản phẩm khoảng 30 năm.
Thủ tục ký hợp đồng bán điện đơn giản
Theo ông BùiTrung Kiên, trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản. Sau khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua đầu số 1900545454. Qua đó, khách hàng sẽ được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế hai chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.
Đối với chủ đầu tư đã có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án thì EVNHCMC sẽ thay thế côngtơ đo đếm một chiều hiện hữu bằng côngtơ đo đếm hai chiều. Đồng thời tiếp tục ký hợp đồng mua điện từ dự án với chủ đầu tư.
Trường hợp phải chuyển đổi điểm đấu nối với lưới điện hạ áp từ một pha sang ba pha để đấu nối dự án ĐMTMN, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn sau côngtơ. Ngành điện sẽ chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn từ côngtơ đến điểm đấu nối và công suất của côngtơ.
Đối với trường hợp chủ đầu tư chưa có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án (khách hàng đề nghị cấp điện mới) thì EVNHCMC sẽ lắp đặt côngtơ đo đếm hai chiều. Sau đó ký hợp đồng mua điện từ dự án của chủ đầu tư đồng thời với hợp đồng bán điện cho chủ đầu tư sử dụng tại địa điểm lắp đặt dự án.
Hiện tại, tổng công ty đã ủy quyền cho các công ty điện lực trên địa bàn quận, huyện ký kết hợp đồng mua bán điện ĐMTMN với các chủ đầu tư. Các đơn vị này sẽ theo dõi, ghi nhận chỉ số phát điện lên lưới và thanh toán tiền mua điện cho các chủ đầu tư lắp đặt ĐMTMN.
TP.HCM có hơn 6.400 công trình điện mặt trời
Theo ghi nhận của EVNHCMC, đến nay trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện 6.407 công trình ĐMTMN với công suất là 81,97 MWp. Riêng trong ba tháng đầu năm 2020, đã có 856 công trình với công suất là 16,24 MWp. Tổng sản lượng ĐMTMN phát ngược lên lưới điện trong ba tháng đầu năm 2020 là 9,11 triệu kWh, ngành điện đã thanh toán tiền mua ĐMTMN là 5,67 tỉ đồng.
Mục tiêu phấn đấu trong năm 2020, EVNHCMC sẽ vận động người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời nối lưới trên mái nhà với công suất dự kiến đạt 300 MWp.
Bình luận